Kinh nghiệm khi đi điều tra điền dã

(Bài viết hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm cá nhân, không có giá trị trích dẫn)

(Vui lòng không copy dưới mọi hình thức)

Như đã nói ở bài viết trước, điều tra điền dã có thể hiểu nôm na là điều tra thực tế, tức là người nghiên cứu sẽ phải đi tiếp xúc với người thật việc thật để tìm kiếm tư liệu cho nghiên cứu của mình. Phương pháp điều tra này được áp dụng trong rất nhiều ngành khoa học xã hội như: xã hội học, ngôn ngữ học, nhân học, dân tộc học v.v… Ở bài viết này, người viết sẽ trình bày việc điều tra điền dã trong lĩnh vực xã hội học, bởi vì đây là lĩnh vực mà pp điều tra điền dã được sử dụng nhiều nhất, có đầy đủ các quá trình nhất.

Phải chuẩn bị những gì trước khi đi điền dã?

–   Đầu tiên, quan trọng nhất, đó là người nghiên cứu phải xác định được rõ đề tài, vấn đề nghiên cứu và phạm vi, đối tượng điều tra. Bạn muốn làm nghiên cứu ở Hà Nội hay tỉnh khác, bạn dự định sẽ đi gặp gỡ những người nào. Đối với đối tượng điều tra, tùy từng đề tài mà việc tìm kiếm đối tượng dễ hay khó. Ví dụ khi muốn làm đề tài về “phản ứng của sinh viên với báo lá cải” (ví dụ thế) thì bạn chỉ cần đi vào trường đại học và túm bất kỳ 1 sinh viên nào đó trên đường là có thể hoàn thành phỏng vấn. Nhưng nếu như bạn muốn làm đề tài về “bạo lực gia đình” thì việc tìm kiếm trở nên khó khăn hơn nhiều. Bạn chỉ có thể lên danh sách một vài người mà bạn biết. Và thông thường ở trường hợp này, người nghiên cứu thường áp dụng pp lấy mẫu “quả cầu lăn”, tức là phỏng vấn xong người thứ 1 thì sẽ nhờ họ giới thiệu người thứ 2, người thứ 3 … Đối với một luận văn thạc sỹ, thông thường bạn sẽ phải tiến hành nghiên cứu 30 mẫu (tức là sẽ phỏng vấn ít nhất 30 người)

–   Tiếp theo, người nghiên cứu phải chuẩn bị trước một danh sách những câu hỏi sẽ được dùng trong phỏng vấn.

–   Vật dụng mà người nghiên cứu cần phải luôn luôn mang theo: máy ghi âm, pin, máy ảnh, bút, giấy, quà (để tặng cho người được phỏng vấn)

Quá trình điền dã:

–   Gọi điện hẹn trước đối tượng phỏng vấn.

–   Đến chỗ hẹn đúng giờ.

–   Bắt đầu quá trình phỏng vấn.

Đây là việc gian nan khổ ải nhất trong quá trình điền dã, và có 1 vài điểm lưu ý như sau

Một cuộc phỏng vấn phải kéo dài ít nhất 40 phút và không giới hạn thời gian. Có lần mình đã tiến hành phỏng vấn trong 3 tiếng đồng hồ liền với một người.

Mặc dù bạn đã chuẩn bị trước danh sách câu hỏi ở nhà, nhưng phỏng vấn không có nghĩa là bạn mang danh sách đó ra, đọc câu hỏi để họ trả lời. Đối với luận văn thạc sỹ, khi mà đề tài nghiên cứu tương đối phức tạp, thì khi mở đầu một cuộc phỏng vấn, bạn nên bắt đầu từ những câu hỏi thân thuộc nhất như hỏi người được phỏng vấn những vấn đề cơ bản: tên, tuổi, nghề nghiệp, quê quán. Nếu bạn và họ có một điểm chung nào đó (cùng quê, cùng tuổi, từng làm cùng công ty) thì hãy lợi dụng ngay thông tin này để tán chuyện với họ và tạo dựng một mối liên kết thân mật giữa hai người. Như vậy cuộc phỏng vấn sẽ dễ dàng hơn. Khi không khí nói chuyện đã không còn xa lạ, bạn có thể hỏi vào những vấn đề bạn cần tìm hiểu. Đặc biệt lưu ý: không cầm danh sách câu hỏi trên tay để đọc ra. Tất cả những câu hỏi nên xuất phát từ trong đầu bạn.

–   Kết thúc phỏng vấn: tặng quà họ, trao đổi số điện thoại, nhờ họ giới thiệu người tiếp theo, đề nghị chụp chung một bức ảnh với họ, xin phép được chụp ảnh chỗ làm/ chỗ ở của họ v.v… (hãy chụp nhiều ảnh nhất có thể, kể cả những thứ bạn cho rằng ko liên quan, vì rất có thể sau này sẽ cần dùng đến)

–   Sau khi phỏng vấn: viết lại nhật ký điền dã. Tức là viết lại hôm nay bạn đã đi gặp những ai, đó là những người như thế nào, nơi hẹn phỏng vấn là nơi nào, họ đi mấy người, không khí nói chuyện có thoải mái không v.v… Hãy ghi chép lại một cách tỷ mỷ cẩn thận nhất những gì đã xảy ra, vì việc này rất có ích khi bạn viết luận văn.

–   Công việc cuối cùng của pp điều tra điền dã là chuyển toàn bộ bản ghi âm thành bản word, tức là bạn nghe lại file ghi âm và đánh ra văn bản word. Nguyên tắc: hãy đánh chính xác từng từ từng chữ xuất hiện trong cuộc nói chuyện, kể cả những lúc họ ậm ừ cũng phải đánh vào, kể cả những câu mình tưởng là không hề liên quan đến đề tài cũng đánh vào, không được rút gọn bất cứ thứ gì. Bởi vì khi bạn viết luận văn, sẽ có lúc bạn phải trích dẫn lời người được phỏng vấn, và trong quá trình viết luận văn, nhiều khi bạn sẽ nảy sinh ra những ý tưởng mới và phải sử dụng những chi tiết mà lúc đầu bạn tưởng không quan trọng. Thông thường bạn sẽ mất khoảng 3 đến 5 tiếng để đánh lại một đoạn ghi âm dài 1 tiếng.

Ưu và nhược điểm của pp điền dã:

  • Nhược điểm:

–   Tốn tiền: đó là khi bạn chọn phạm vi nghiên cứu ở tỉnh khác, bạn sẽ mất nhiều tiền để đi đến đó, thuê nhà, ăn uống. Mình chọn phạm vi nghiên cứu ở tp HCM và đã phải vào đó điền dã 3 lần trong 2 năm mới kết thúc được luận văn.

–   Tốn thời gian: việc này là đương nhiên, bởi chúng ta mất ít nhất 1 tiếng để phỏng vấn 1 mẫu, ngoài ra còn mất thời gian tìm mẫu, đi lại, đánh lại bản ghi âm v.v… Đó là chưa kể có những người mà mình phán đoán sẽ là đối tượng nghiên cứu “đinh” của mình (vì họ có background hoàn toàn trùng khớp với những gì mình muốn nghiên cứu), nhưng họ rất khó mở lời (do tính cách, hoặc do họ không tin tưởng mình v.v..). Vì vậy có khi phải tiến hành phỏng vấn họ nhiều lần trong nhiều ngày nhiều tháng mới thu được kết quả. Mình cũng đã từng phải dùng cách ăn vạ khi người ta nhất quyết không cho phỏng vấn, và mình cứ thế ngồi trước cửa hàng nhà người ta từ sáng đến trưa. Anh chủ trẻ đến trưa thấy thương tình mới bảo: thôi em muốn hỏi gì thì hỏi đi =))

  • Ưu điểm:

Được tiếp xúc với người thật, việc thật, được đi lại nhiều và biết thêm nhiều điều, từ đó rèn giũa khả năng quan sát và phán đoán vấn đề. Nhiều khi bạn sẽ bị chính người được phỏng vấn mắng, chửi; bạn bị người ta từ chối không cho gặp phỏng vấn bằng những từ ngữ khiếm nhã; thậm chí bạn còn bị người ta đe dọa không cho phỏng vấn nữa v.v… Những điều trên mình đã từng trải qua khi tiến hành điền dã, và nó đã cho mình thêm rất nhiều kinh nghiệm.

Có một số nhà nghiên cứu đi theo pp điều tra định lượng (phát bảng hỏi) đã cho rằng pp điều tra định tính (điền dã) không có tính đại diện. Bởi vì nếu như dùng bảng hỏi, chúng ta có thể cùng một lúc thu về ý kiến của hàng nghìn người, thì điều tra định tính chỉ cho ta kết quả của vài chục người là nhiều.

Thực ra pp nào cũng có những hạn chế của nó.

PP định lượng cho nhiều kết quả, nhưng chưa chắc đó đã là kết quả chính xác (bảng hỏi không rõ khiến ng ta chọn nhầm câu trả lời, người được điều tra cố tình chọn đáp án khác thực tế v.v…). Vì vậy như đã nói ở bài trước, bảng hỏi phải được thiết kế thông minh, có nhiều câu hỏi bẫy, 1 vấn đề có thể được gài nhiều lần trong bảng hỏi để tránh trường hợp trả lời bừa.

PP định tính không cho nhiều kết quả, bản thân kết quả cũng phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng của người nghiên cứu. Nếu người nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng phỏng vấn tốt thì thông tin thu được sẽ nhiều, và ngược lại …

Về vấn đề pp định tính có tính đại diện hay không thì câu trả lời là Có. Bởi vì mình đã từng hỏi 30 người cùng một câu hỏi, và câu trả lời mình thu về là gần như giống nhau. Tức là 30 người đó có cùng chung một quan niệm về một vấn đề. Như vậy, chúng ta có thể tạm kết luận rằng đối với vấn đề đó, mọi người có cùng chung một cách nghĩ. Đương nhiên có thể có người nào đó chúng ta không phỏng vấn, và họ có cách nghĩ khác. Đấy là sai số của điều tra, nhưng là sai số nhỏ.

Vì cả 2 pp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, nên đối với những đề tài nghiên cứu quan trọng hoặc luận văn tiến sỹ, người nghiên cứu thường kết hợp cả 2 pp này để cho kết quả chính xác nhất.

Nhắn nhủ ngoài lề: Đối với những sinh viên đại học khi viết luận văn, các bạn thường dùng pp phát bảng hỏi. Nhưng lưu ý là đừng có khai khống lên rằng bạn đã phát hàng nghìn bảng hỏi, hoặc là 500 bảng hỏi, rồi kết quả thu được là thế này thế này. Các thầy cô giáo sẽ biết ngay đó là bạn đang bịa. Tốt nhất, hãy nói ra chính xác con số mà các bạn làm được. Bởi tùy từng đề tài mà số lượng mẫu thu về sẽ khác nhau, nhưng đối với lv đại học, 200 mẫu đã được cho là quá nhiều với các bạn, còn với luận văn thạc sỹ là khoảng 1000 mẫu.

Các phương pháp nghiên cứu xã hội học

(Bài viết hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm cá nhân, không có giá trị trích dẫn)

(Vui lòng không copy dưới mọi hình thức)

Để thực hiện 1 nghiên cứu khoa học, ng nghiên cứu phải đưa ra được 1 vấn đề nghiên cứu. Vấn đề nghiên cứu thường được trình bày dưới dạng câu hỏi. Nhưng vấn đề nghiên cứu khác với câu hỏi nghiên cứu.

Ví dụ, cả lớp thấy bạn A và bạn B dạo này rất hay chơi với nhau, nên đã đặt ra rất nhiều câu hỏi: “Tại sao A lại cứ chở B về nhà nhỉ?”; “Tại sao A hay mua sinh tố cho B thế nhỉ?”; “Hôm qua trời mưa, sao A chỉ mua áo mưa cho mỗi B thôi nhỉ, trong khi có cả đám con gái ko có áo mưa đứng đó?” … Đây là những câu hỏi nghiên cứu. Còn vấn đề nghiên cứu ở đây sẽ là “Có phải A thích B hay không?”. Câu trả lời sẽ là “Có. Vì sao có” hoặc “Không, Vì sao không”. Như vậy, vấn đề nghiên cứu sẽ ở 1 dạng khái quát cao hơn, tổng quát hơn, chi phối những câu hỏi nghiên cứu. Một khi vấn đề nghiên cứu được trả lời, thì mọi câu hỏi nghiên cứu sẽ đc trả lời. Đồng thời, câu hỏi nghiên cứu là con đường tiếp xúc ban đầu với 1 vấn đề, còn vấn đề nghiên cứu là con đường tìm ra gốc rễ của vấn đề.

Và để tìm ra câu trả lời cho vấn đề nghiên cứu, chúng ta phải có những cách tiếp cận (phương pháp nghiên cứu) và có thể đại khái phân ra làm 3 loại sau:

Phương pháp tổng hợp

Đây là phương pháp mình ít được tiếp xúc nhất.

Cách tiến hành phương pháp này đại khái là người nghiên cứu phải đọc, đọc và đọc rất nhiều tài liệu. Từ những dữ liệu thu được, ng nghiên cứu sẽ phải sàng lọc, phân tích, dựa vào cơ sở lý luận để tổng hợp dẫn chứng và giải quyết vấn đề.

Phương pháp này thường dùng cho những vấn đề có tính lịch sử. Ví dụ muốn nghiên cứu việc xảy ra vào nửa đầu thế kỷ, và không có đủ nhân chứng để phỏng vấn trực tiếp cũng như phát phiếu điều tra.

Phương pháp định lượng

Là phương pháp điều tra bằng cách làm phiếu, phát ra cho đối tượng điều tra điền, thu lại, và dùng các phần mềm thống kê để phân tích.

Ưu điểm:

–         có thể cùng 1 lúc lấy ý kiến của rất nhiều người.

–         1 phiếu điều tra quy mô lớn có thể giúp phân tích được rất nhiều vấn đề.

Nhược điểm:

–         Để việc chạy phần mềm thống kê được suôn sẻ, số liệu đẹp, thì phải phát phiếu cho 1 số lượng lớn người đc điều tra. Và nhiều khi cũng không biết tìm đc ở đâu từng đấy ng điền phiếu.

–         Do phiếu điều tra là đánh dấu vào ô vuông, nên rất có thể ng trả lời thường đánh bừa, dẫn đến sai số. Việc này lại liên hệ đến kỹ năng làm phiếu. Ví dụ cùng 1 vấn đề có thể đưa ra 2 câu hỏi khác nhau, và vị trí 2 câu hỏi này ở trong bảng hỏi cách xa nhau. Nếu câu trả lời của 2 câu hỏi trên đồng nhất, tức là ng điền phiếu đã trả lời thật; nếu câu trả lời ko đồng nhất à đã điền bừa. (Cái này thầy đã nói rất kỹ, và mình cũng đã quên kha khá :P) à Một bảng hỏi chất lượng phải là bảng hỏi thu thập được đủ thông tin mình cần, đồng thời loại trừ đến mức tối đa khả năng ng điền trả lời sai.

–         Rắc rối khi chạy phần mềm thống kê. Cái này cũng liên quan đến bảng hỏi. Thông thường bảng hỏi thường đặt ra 1 câu hỏi, và đưa ra các mức lựa chọn từ 1 đến 5, tương ứng với “hoàn toàn đồng ý”,”đồng ý”,”bình thường”, “không đồng ý”, “hoàn toàn không đồng ý”. Và có những trường hợp, câu hỏi chưa đủ rõ ràng, dẫn đến việc ng điền phiếu luôn chọn ô “bình thường”. Vì vậy, khi tổng hợp dữ liệu, rất khó để biết đc thái độ của họ với vấn đề, cũng như chạy dữ liệu không đẹp hoặc tệ hơn là không chạy được.

 Phương pháp định tính

Hay còn gọi là Điều tra điền dã, Điều tra thực tế.

Tức là sau khi khoanh vùng được đối tượng điều tra, bạn sẽ đi tiếp xúc trực tiếp với họ, trò chuyện tâm tình, và hỏi những câu hỏi liên quan đến vấn đề nghiên cứu.

Ưu điểm: có thể điều tra rất sâu một cá nhân/nhóm nào đó

Nhược điểm:

–         Mất rất nhiều thời gian để thực hiện.

–         Chỉ thực hiện được trên 1 lượng nhỏ người.

–         Bị chi phối nhiều bởi điều kiện khách quan: ng ta không đồng ý cho phỏng vấn hoặc ng nhà họ không đồng ý cho phỏng vấn v.v…

–         Người được phỏng vấn quá biết cách trả lời, thái độ thường ở mức “lửng lơ con cá vàng”, không đi sâu vào vấn đề ta muốn biết.

Trên đây là 1 vài tóm tắt về 3 phương pháp chủ yếu. Và câu hỏi đặt ra là nếu điều tra định lượng có giá trị đại diện, tức là có thể cho ta biết bao nhiêu % người nghĩ như thế nào, thì Điều tra định tính có giá trị đại diện hay không???