Cuộc sống xa quê của phối ngẫu VN tại ĐL


(Vui lòng không copy dưới mọi hình thức)

Những ngày đầu mới đến Cao Hùng ( phía nam Đài Loan), tôi thường được những người bạn Đài Loan kể về quán ăn Tiểu Lan. Nghe nói đây là quán ăn do người Việt mở, rất nổi tiếng, tôi bèn tìm đến. Đó không phải là 1 cửa hàng lớn, sang trọng, chỉ là 1 quán ăn nhỏ với 7 bàn ăn bên trong, và 1 khu bếp chế biến ở bên ngoài. Sở dĩ bếp được đặt ở bên ngoài là để tiện cho việc giới thiệu nguyên liệu chế biến món ăn Việt Nam cho khách. Chủ cửa hàng là một cô gái đến từ tỉnh Bạc Liêu. Năm 18 tuổi, qua sự giới thiệu của một người quen, chị đã sang Đài Loan làm dâu. Tính đến năm 2010, chị đã ở Đài Loan tròn 11 năm. Khi mới sang, toàn bộ vốn liếng của chị chỉ là vốn tiếng Trung ít ỏi, chị phải tự học đồng thời tham gia những lớp dạy tiếng cho chính phủ tổ chức, để rồi bây giờ chị hoàn toàn có thể giao tiếp như người bản địa. Sau khi lấy chồng Đài Loan và sinh được 2 cháu bé, chị Tiểu Lan có đi làm ở một quán ăn Việt Nam gần nhà. Cách đây 7 năm, sau khi đã có kinh nghiệm, vốn và được sự giúp đỡ của bạn bè, chị đã có thể tự mở được quán ăn của riêng mình. Quán ăn của Tiểu Lan đông khách ngay từ khi bắt đầu mở. Một phần vì do quán nằm ở một ngã tư khá đông đúc; và một phần cũng bởi vì phương châm giữ chữ Tín của cô chủ. Chị tâm sự: “Mình mở quán ăn thì phải coi khách là bạn, đồng thời phải không ngừng nâng cao chất lượng món ăn. Nếu không tạo được niềm tin nơi khách hàng thì sẽ không thể thành công”. Cứ như vậy, tiếng lành đồn xa, thực khách đến với quán của chị không ngớt. Không chỉ vậy, có những fan hâm mộ món ăn Việt đã giới thiệu quán Tiểu Lan đến với những tờ báo lớn của Đài Loan như: báo Tự Do, báo Liên Hợp … đồng thời chị còn được lên truyền hình để giới thiệu về quán ăn và ẩm thực Việt. Cho đến thời điểm hiện tại, Tiểu Lan có thể khẳng định thực khách đến ăn tại quán phần lớn là khách “ruột”, đã gắn bó với mình bao nhiêu năm nay, bao gồm cả người Đài Loan – những người muốn thưởng thức ẩm thực Việt, và cả những cô dâu, học sinh Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Cao Hùng. Tuy thành công trong công việc là vậy, nhưng chị lại gặp trắc trở trong chuyện gia đình. Do mâu thuẫn nên chị đã ly dị được 3 năm nay. Hai con của chị sống với bố, nhưng thường xuyên qua thăm và chơi với mẹ. Hiện nay, chị đã tìm được hạnh phúc mới của mình. Bạn trai chị là người Đài Loan, đã tốt nghiệp thạc sỹ và hiện đang làm cán bộ cơ quan nhà nước tại thành phố Cao Hùng.

Nhã Tuyên là một cô gái sinh năm 1979 tại thành phố Hồ Chí Minh. 14 năm trước, chị đi làm dâu Đài Loan và cũng giống như Tiểu Lan, Nhã Tuyên gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ. Sau đó, được sự khích lệ của chồng, chị tham gia vào những lớp học tiếng Trung, đồng thời đi học nghề làm móng và trang điểm. Bây giờ, vốn tiếng Trung và tiếng Đài của Nhã Tuyên không hề thua kém người bản địa, đồng thời chị cũng đã có một cửa hàng nho nhỏ của riêng mình. Chị từ một cô dâu phải phụ thuộc và kinh tế của gia đình chồng, giờ đã có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, chị còn có một gia đình hạnh phúc với một người chồng yêu thương vợ, và 1 bé trai 11 tuổi, 1 bé gái 2 tuổi. Điểm đặc biệt của 2 đứa con của chị là chúng nói tiếng Việt rất giỏi, bởi vì quan niệm của chị là: dù sống ở đâu, vẫn phải dạy cho con tiếng Việt, để con có ý thức hơn về 1 phần nguồn cội của mình.

Chị Thủy lại là một ví dụ đặc biệt trong số những cô dâu Việt Nam tại Đài Loan. Chị sinh năm 1969 tại thành phố Huế, và đã tốt nghiệp đại học khoa tiếng Trung. Chị quen ông xã người Đài Loan trong một lần làm phiên dịch, và 13 năm trước, chị quyết định kết hôn với anh và sang Đài Loan sinh sống. Với vốn tiếng Trung đã có được ở những năm học đại học, chị không gặp khó khăn nhiều lắm về vấn đề ngôn ngữ, nhưng chị vẫn gặp phải khó khăn về sự khác biệt văn hóa và môi trường sống giữa Việt Nam và Đài Loan. Sau khi sinh, chị Thủy đã tham gia vào rất nhiều hoạt động giúp đỡ những cô dâu Việt Nam tại Đài Loan: như dạy tiếng Trung cho cô dâu mới, giúp đỡ chị em trong cuộc sống hàng ngày. Đến năm 2007, chị quyết định theo học lớp thạc sỹ khoa Văn học Đài Loan của trường Đại học Thành Công. Chị tâm sự rằng tuổi đã cao cộng với công việc của gia đình khiến chị đi học gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên chị vẫn quyết tâm đi học, vì muốn có thêm kiến thức để sau này dạy dỗ con thật tốt.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều các cô dâu Việt Nam tại Đài Loan vẫn đang hàng ngày phấn đấu vì cuộc sống của mình. Họ có thể là những người đã đến Đài Loan lâu hoặc chưa lâu, lấy chồng qua giới thiệu hay qua tự tìm hiểu, cuộc sống gia đình hạnh phúc hay không hạnh phúc, nhưng có một điểm chung nhất giữa họ, đó là họ từng ngày từng giờ phấn đấu cho cuộc sống ngày một tốt hơn ở nơi đất khách.

Leave a comment